Cấm nhập khẩu xăng dầu để cứu nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công thương nói gì?

TTO – Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định việc cấm nhập khẩu xăng dầu cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích các bên liên quan.

Cấm nhập khẩu xăng dầu để cứu nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công thương nói gì? - Ảnh 1.

                                                                                          Bộ Công thương cho biết cân nhắc đề xuất cấm nhập khẩu xăng dầu – Ảnh: BSR

Thông tin được ông Hải đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 15-5, khẳng định các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xăng dầu đều đang gặp khó khăn.

Hiện nay, hai nhà máy cung ứng xăng dầu trong nước là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn – liên doanh nước ngoài chiếm 75% vốn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đại diện chỉ nắm 25% và Nhà máy lọc dầu Bình Sơn 100% vốn trong nước.

Đây cũng là hai nhà máy chế biến sản phẩm ra thành phẩm xăng dầu để bán và xuất khẩu.

Cấm nhập có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng

Thời gian qua PVN gặp khó khăn do giá dầu thô thế giới sụt giảm, trong vòng 3 tháng giảm hơn 60% nên nguồn thu bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, ông Hải cũng thông tin thêm là hiện đang có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu đáp ứng yêu cầu nghị định 83, tức là đầu mối trực tiếp được phép xuất nhập khẩu xăng dầu. Bản thân các doanh nghiệp này 3 tháng vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn, 8 lần giảm giá liên tiếp.

 

Do đó với đề xuất của PVN, ông Hải cho hay đã có bàn bạc kỹ với các đơn vị Bộ Công thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng… để cân nhắc thận trọng.

“Nếu cấm thì chỉ một hoặc một số được nhập khẩu, như vậy có thể ảnh hưởng giá cả, quyền lợi người dân, toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc cấm nhập có thể vi phạm quy định của WTO và các nước có thể đưa ra biện pháp cấm nhập khẩu mặt hàng khác” – ông Hải nói.

Vì vậy, trước mắt cân nhắc việc cấm nhập khẩu xăng dầu và hài hòa các quyền lợi giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng, Nhà nước là đảm bảo an ninh năng lượng, đủ xăng dầu để cung cấp.

Ông Hải dẫn chứng như năm 2019 sự cố của nhà máy Nghi Sơn kéo dài một tháng 4 ngày khiến cơ quan quản lý rất lo, yêu cầu phải nhập khẩu xăng dầu và phải tôn trọng hợp đồng nhập khẩu xăng dầu với các đối tác.

Đề xuất giảm thuế, phí với ôtô để hỗ trợ ngành ôtô, người dân

Cũng liên quan đến đề xuất giảm phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt phí đối với ngành ôtô, ông Nguyễn Ngọc Thành – phó cục trưởng Cục Công nghiệp – cho biết do tác động của đại dịch COVID-19 khiến tiêu thụ sản xuất ôtô giảm rất mạnh, tháng qua chỉ đạt 61.500 xe các loại, giảm mạnh so với cùng kỳ, nhu cầu xe tiêu thụ chỉ đạt 35-40%.

Vì vậy, việc đề xuất trên để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Thực tế khi nghiên cứu các nước thì trong thời điểm khó khăn vẫn có hỗ trợ nhất định, thời gian ngắn nên Bộ Công thương đưa ra đề xuất trên.

Thứ trưởng Hải cũng cho rằng ở Việt Nam ngành công nghiệp ôtô rất được quan tâm, là ngành công nghiệp lớn, mang lại lợi ích và bộ mặt của cả nền kinh tế, lợi ích cho người dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp tạm thời đóng cửa và dừng hoạt động, ngành sản xuất ôtô nội địa phải cạnh tranh gay gắt khi ôtô giá rẻ, thuế bằng 0% tràn vào thị trường, dẫn tới doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh sẽ rất khó khăn nếu ta không có giải pháp, chính sách kịp thời, quyết liệt. Vì vậy, cần thiết phải có ưu đãi, hỗ trợ, giảm giá thành, để người dân Việt Nam tiếp cận rộng rãi khi hiện nay giá rất cao.

Bài viết liên quan