Phó thủ tướng: Rà soát công thức tính giá cơ sở xăng dầu, quỹ bình ổn giá

TTO – Tập trung rà soát, thống nhất phương án trình Chính phủ về cơ chế phối hợp điều hành giá xăng dầu, công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, chu kỳ điều chỉnh, quỹ bình ổn giá.

Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được sửa đổi, bổ sung – Ảnh: N.AN

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận như trên của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu diễn ra vào cuối tháng 7-2020.

Theo đánh giá của Phó thủ tướng, sau 5 năm thực thi, Nghị định 83/2014 là cơ sở pháp lý để Liên bộ Công thương – Tài chính điều hành xăng dầu trong nước, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong kinh doanh xăng dầu. 

Đến nay, với sự thay đổi cơ cấu nguồn cung, số lượng doanh nghiệp đầu mối tăng, làm tăng tính cạnh tranh. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi thuế quan… 

Vì vậy Phó thủ tướng cho rằng cần thiết phải sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước. 

Trong đó, cần tập trung rà soát, thống nhất phương án trình Chính phủ về cơ chế phối hợp điều hành giá xăng dầu, công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, chu kỳ điều chỉnh, quỹ bình ổn giá… 

 

Phó thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung kinh nghiệm quốc tế về thời gian dự trữ xăng dầu. Đảm bảo cân đối giữa lợi ích nhà sản xuất, phân phối, người dân, gắn với trách nhiệm và phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 83 trình Chính phủ trong tháng 9-2020. 

Thay đổi công thức tính giá, giữ quỹ bình ổn

Trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 83 do Bộ Công thương xây dựng, các điểm mới đáng chú ý như cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%; bổ sung thương nhân sản xuất xăng dầu từ quá trình tái chế chất thải vào đối tượng quản lý; cho phép các phương tiện bán xăng mini hoạt động ở một số địa bàn.

Dự thảo cũng thay đổi công thức tính giá xăng dầu, tên gọi thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu; giữ nguyên chu kỳ điều hành giá 15 ngày nhưng ấn định trong ngày 1 và 16 hằng tháng; nới biên độ biến động tăng giá từ 7% lên 10% mới phải báo cáo Thủ tướng; giữ nguyên Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng bổ sung quy định phải báo cáo công bố số dư; yêu cầu thêm đơn vị sản xuất dự trữ…

Bài viết liên quan